Thương mại điện tử kể từ khi bắt đầu đã trở thành một thị trường làm ăn vô cùng màu mỡ, thu hút được hàng nghìn doanh nhân dấn thân vào để gây dựng sự nghiệp. Điều này cũng đi kèm với sự cạnh tranh và sa thải khốc liệt trong ngành. Có những doanh nghiệp phất lên rất nhanh cùng với doanh thu vượt bậc, nhưng cũng có những thất bại ngay từ bước đầu.
Hãy học hỏi từ những thương hiệu thành công trong ngành thương mại điện tử dưới đây để vận dụng cho doanh nghiệp của bạn!
Case Study 1: Chiến thuật theo sát khách hàng của Envelopes.com
Envelopes là một doanh nghiệp sản xuất phong bì, cung cấp dịch vụ thiết kế phong bì theo yêu cầu với đa dạng kích thước, màu sắc và kiểu dáng. Hiện nay, thương hiệu đã trở thành doanh nghiệp eCommerce sản xuất phong bì số 1, thuộc top 1000 doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu và top 5000 doanh nghiệp phát triển nhanh trong vòng nhiều năm.
Bí quyết thành công của Envelopes đó chính là giải quyết được những vấn đề mà các doanh nghiệp khác ngành thương mại điện tử thường gặp phải hiện nay. Đó là tình trạng khách hàng thoát khỏi trang khi vẫn chưa hoàn thành đơn hàng của mình.
Để giải quyết vấn đề này, Envelopes đã cố gắng chốt sales thành công bằng việc theo sát khách hàng mục tiêu. Họ đã lựa chọn gửi Email marketing để nhắc nhở khách hàng và thử nghiệm các khung giờ gửi email khác nhau là 11h sáng ngày hôm sau và sau 48h người dùng thoát khỏi trang. Kết quả thu được cho thấy email được gửi vào lúc 11h sáng có số lượng mở cao hơn email được gửi sau 48h. Tuy nhiên, tỷ lệ chuyển đổi của email được gửi sau 48h đồng hồ lại cao hơn email được gửi vào 11h sáng hôm sau.
Doanh nghiệp này đã gửi email với các chủ đề “A Friendly Reminder from Envelopes.com”, “Shopping Cart Reminder: Don’t Miss Out On, “Thanks for visiting Envelopes.com”.
Bạn có thể học hỏi Envelopes về việc gửi email nhắc nhở khách hàng kết thúc quy trình mua hàng của mình, đồng thời bạn nên thử nghiệm với nhiều khung thời gian khác nhau để chọn ra được một thời điểm gửi email phù hợp nhất.
Case Study 2: Edible Arrangements thúc đẩy doanh thu bằng việc thay đổi thông điệp trên banner của trang web
Edible® là thương hiệu cung cấp hoa quả tươi và socola, luôn hướng tới việc tối ưu trải nghiệm dịch vụ cho khách hàng từ chất lượng sản phẩm đến dịch vụ vận chuyển đặc biệt. Doanh nghiệp này thường cung cấp cho khách hàng của mình các hình thức vận chuyển khác nhau trong ngày nhưng người dùng thường bỏ lỡ mất vì không biết đến sự tồn tại của các chương trình này. Đây cũng là một trong những vấn đề mà doanh nghiệp cần giải quyết.
Chính vì vậy, để thông báo cho khách hàng biết đến các dịch vụ mà mình cung cấp, Edible Arrangements gia tăng sự xuất hiện của thông tin bằng việc sử dụng banner trên cùng một vị trí ở trang Homepage, dưới thanh công cụ điều hướng.
Doanh nghiệp cũng kích thích “Hiệu ứng sợ bỏ lỡ” ở khách hàng thông qua việc sử dụng đồng hồ đếm ngược khiến khách hàng gấp rút đặt hàng. Chiến thuật này đã giúp doanh nghiệp gia tăng mức doanh số đến 8% mỗi ngày.
Bài học mà ta có thể học được từ Edible đó là hãy gia tăng tần suất xuất hiện của thương hiệu tới khách hàng để thu hút họ thay vì chỉ tập trung đẩy mạnh sản phẩm mới. Ngoài ra, bạn cũng đừng quên tận dụng tính gấp gáp về thời gian để kích thích khách hàng nhanh chóng đưa ra quyết định mua hàng.
Case Study 3: Sử dụng hình thức cross-sell giúp một doanh nghiệp bán lẻ đồ nội thất gia tăng 4.6% tổng giá trị đơn hàng chỉ trong 41 ngày
Doanh nghiệp bán lẻ đồ nội thất đã sử dụng chiến thuật gợi ý những mặt hàng tiềm năng sau khi khách hàng thêm sản phẩm vào giỏ hàng nhằm thúc đẩy sức mua. Cụ thể, họ đã gợi ý thêm một bộ bàn ghế nhỏ hay bộ điều hòa khi khách hàng đặt mua đồ nội thất chất liệu da online. Bởi vì trong khi những sản phẩm chính được bán rất chạy nhưng các thiết bị nhỏ lại không được chuyển đổi tốt.
Vấn đề mà doanh nghiệp đang gặp phải đó là khách hàng không hề biết đến các mặt hàng phụ mà doanh nghiệp cung cấp. Bởi vậy, cách tối ưu để bán được nhiều hàng là chủ động giới thiệu chúng tới khách hàng trên website của công ty.
Thương hiệu này đã thêm nút Add Leather Conditioning Kit (Mua thêm bộ điều hòa) để gợi ý khách hàng mua thêm trước khi checkout. Và kết quả là giá trị đơn hàng trung bình của doanh nghiệp này tăng lên đến 55$ (4.6%) chỉ trong vòng 41 ngày, giúp tổng doanh thu hàng tháng tăng lên 180,000$.
Sử dụng chiến thuật Bán hàng chéo (Cross-sell) cho những sản phẩm liên quan không những gia tăng giá trị đơn hàng cho doanh nghiệp mà còn giúp nâng cao trải nghiệm của khách hàng. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần lựa chọn kĩ về thời điểm cũng như mặt hàng cần giới thiệu đến khách hàng.
Kết luận:
Trên đây là ba bài học thành công của những doanh nghiệp “sừng sỏ” trong ngành thương mại điện tử. Bất cứ ai đều phải đi lên từ con số 0 và trải qua bao nhiêu thăng trầm rồi mới vững bước được trên thương trường. Vì vậy, bạn đừng vội nản chí khi thất bại mà hãy cố gắng tích lũy kiến thức, học hỏi từ kinh nghiệm thực chiến cũng như bài học từ những người đi trước để tìm ra ngọn đèn cho bản thân. Hi vọng bài viết đã góp phần tạo động lực, cũng như cung cấp cho bạn một hướng đi để tối ưu hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp.